Chuyên gia: ban ngày, các chất bột, đường mà chúng ta ăn được tiêu hoá thành glucose và được hấp thu vào trong máu. Một lượng glucose được hấp thu này đi vào gan, ở đó nó lưu trữ để dùng sau này.
Vào ban đêm, trong khi chúng ta ngủ, gan phóng thích glucose vào trong máu. Gan hoạt động như kho dự trữ glucose của chúng ta và giữ cho chúng ta được cung cấp đầy đủ cho đến khi chúng ta ăn sáng. Lượng glucose đã được sử dụng tương ứng với lượng glucose do gan phóng thích, như vậy nồng độ glucose-huyết được duy trì ở mức hằng định.
1. Lượng đường trong máu
Chỉ số glucose máu bình thường nằm ở mức dưới 100 mg/dL khi không ăn (nhịn ăn) trong ít nhất 8 giờ, và thấp hơn 140 mg/dL sau khi ăn 2 giờ.
Trong ngày, nồng độ đường huyết có xu hướng ở mức thấp nhất vào thời điểm ngay trước bữa ăn. Đối với hầu hết những người không bị tiểu đường, lượng đường trong máu trước bữa ăn dao động trong khoảng 70 – 80 mg/dL. Ở một số đối tượng khác, glucose máu bình thường dao động từ 60 – 90 mg/dL.
Lượng đường trong máu thấp cũng rất khác nhau tùy mỗi cá nhân. Nhiều người sẽ không bao giờ giảm mức glucose xuống dưới 60 mg/dL, ngay cả khi nhịn ăn kéo dài. Số khác cũng có thể giảm nồng độ đường huyết xuống thấp hơn đôi chút. Khi bạn ăn kiêng hoặc ăn nhanh, gan giữ cho mức glucose máu bình thường bằng cách biến mỡ và cơ thành đường.
2. Bệnh tiểu đường
Khi nạp vào carbohydrate, quá trình tiêu hóa sẽ biến thực phẩm thành đường. Những loại đường này sẽ được giải phóng vào máu và vận chuyển đến các tế bào. Tuyến tụy – một cơ quan nhỏ trong bụng, làm nhiệm vụ sản sinh hormone insulin. Insulin hoạt động như một cây cầu, cho phép đường đi từ máu vào trong tế bào. Khi tế bào sử dụng đường làm năng lượng, lượng đường trong máu sẽ giảm.
Bệnh nhân tiểu đường sẽ không thể đưa glucose từ máu vào tế bào, hoặc cơ thể không tạo ra đủ insulin. Điều này làm tăng mức glucose cao hơn. Thêm vào đó, carbohydrate trong thực phẩm cũng khiến lượng đường trong máu tăng lên sau bữa ăn.
Nếu bị tiểu đường, có thể bạn đã gặp vấn đề với tuyến tụy sản xuất insulin, hoặc các tế bào sử dụng insulin, hoặc cả hai. Có 4 loại bệnh tiểu đường khác nhau, bao gồm:
- Tiểu đường tuýp 1: Khi cơ thể không sản xuất được insulin;
- Tiểu đường tuýp 2: Khi tuyến tụy không tạo ra đủ insulin, đồng thời các tế bào cũng không sử dụng tốt insulin (kháng insulin);
- Tiền tiểu đường: Thường là khi các tế bào không sử dụng tốt insulin;
- Tiểu đường thai kỳ: Bệnh tiểu đường xuất hiện trong ba tháng giữa hoặc cuối của thai kỳ.